Phương pháp nối ống gan-hỗng tràng theo kiểu Roux-en-y
Đây là phương pháp phẫu thuật quy ước trong nối mật ruột qua quai hỗng tràng Roux-en-Y. Thuật ngữ nối ống gan hỗng tràng theo kiểu Roux-en-Y bao gồm cả nối thấp, tức là nối ống mật chủ hay ống gan chung vào quai ruột Roux-en-Y và nối cao, nghĩa là nối nhánh chính của đường mật trong gan vào quai ruột Roux-en-Y (nối rốn gan hỗng tràng).
Kỹ thuật này được thực hiện bằng cách tạo một quai ruột Roux-en-Y dài khoảng 60-70cm, thường chọn điểm bắt đầu tạo quai ruột ở cách góc Treitz khoảng 20cm, quai đến của đoạn ruột chữ Y này thường được khâu đóng ở đầu và cố định vào bờ gan. Sau đó, đoạn ống gan cần thực hiện nối mật ruột sẽ được bóc tách và nối vào quai đến của đoạn hỗng tràng Roux-en-y theo kiểu tận-bên. Không nối bên-bên vì sẽ tạo ra hội chứng túi cùng dễ gây nhiễm trùng đường mật. Riêng đối với trường hợp u đầu tụy không còn khả năng cắt bỏ, thống kê cho thấy phần lớn bệnh nhân trước khi qua đời sẽ bị thêm tắc tá tràng do khối u chèn ép, nên trong khi thực hiện nối mật ruột, các phẫu thuật viên thường thực hiện thêm nối vị tràng dự phòng qua quai ruột roux-en-y.
Nối ống gan-hỗng tràng theo phương pháp Roux-en-Y
Trong phương pháp nối ống gan-hỗng tràng kiểu Roux-en-y, đường mật ít tiếp xúc với dịch tiêu hóa, do đó đã giảm thiểu được tỷ lệ nhiễm trùng đường mật so với những phương pháp nối mật ruột cổ điển. Tuy nhiên, nó lại mắc phải nhược điểm là làm mất đi chức năng sinh lý của tá tràng, do đó dễ gây biến chứng viêm loét dạ dày tá tràng sau này, đồng thời do quai hỗng tràng quá dài khiến khó can thiệp đường mật qua ngả nội soi sau này. Quai ruột này cũng dễ gây ra hội chứng quai ruột tịt và thậm chí là biến chứng lồng ruột về sau.
Nhận xét
Đăng nhận xét